Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài tuyến đường hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây là một trong ba dự án cao tốc đã được Chính phủ đưa vào danh mục thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, để đáp ứng nhu cầu vận tải cấp bách của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 17.837 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng phần lãi vay nếu đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị là 8.306 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 6.629 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2025.
Tháng 9/2021, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP. Trong đó, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ dự án khoảng 6.629 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh huy động nguồn vốn PPP gặp nhiều khó khăn, thời gian đấu thầu kéo dài khó đảm bảo hoàn thành vào năm 2025. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất đầu tư công với dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu.
Trong trường hợp được áp dụng các cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Cùng với đó, tuyến cao tốc này sẽ giảm tải cho quốc lộ 51. Hiện con đường huyết mạch nối Vũng Tàu, TP HCM và Đồng Nai đã quá tải. Trong tương lai, khi hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tăng công suất và cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành thì tình trạng quá tải trên quốc lộ này sẽ trầm trọng hơn.
Theo Vnexpress.net